CTĐT Cử nhân Ngành Quản trị Kinh doanh

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO VÀ CHUẨN ĐẦU RA

1. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

1.1. Mục tiêu chung

Chương trình đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh nhằm mục tiêu: Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức cơ sở, kiến thức chuyên môn, vững vàng và sức khỏe tốt, có tinh thần trách nhiệm với xã hội; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng thực hành nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội cho TP.HCM, khu vực phía nam, cả nước và hội nhập môi trường quốc tế.

1.2. Mục tiêu cụ thể

– Hình thành nền tảng vững chắc về kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh.
– Vận dụng tốt các năng lực hoạch định, tổ chức, điều khiển, kiểm soát để đảm nhiệm các vị trí khác nhau tại các tổ chức trong nước và quốc tế; có khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh và tạo lập doanh nghiệp; có năng lực nghiên cứu tự bổ sung kiến thức và học tập suốt đời.
– Vận dụng tốt các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm vào thực tiễn công việc.
– Tuân thủ pháp luật, thực hành tốt trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp.

2. CHUẨN ĐẦU RA

Ngoài các yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp, thái độ tuân thủ các nguyên tắc an toàn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng – an ninh theo quy định hiện hành và đạt chuẩn về Ngoại ngữ (tiếng Anh) và Tin học theo quy định tại Phụ lục Chuẩn đầu ra Ngoại ngữ (tiếng Anh) và Tin học cho các ngành đào tạo (đính kèm Quyết định), người học sau khi tốt nghiệp CTĐT Quản trị Kinh doanh phải đạt được các yêu cầu năng lực tối thiểu sau đây:

A. KIẾN THỨC
1. Kiến thức chung
– Hiểu biết kiến thức khoa học xã hội và pháp luật phục vụ hoạt động chuyên môn.
– Vận dụng được các nguyên lý kinh tế, các nguyên tắc và mô hình quản trị trong hoạt động của doanh nghiệp.
– Vận dụng các kiến thức nền tảng về toán, các công cụ thống kê, phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, phần mềm công nghệ thông tin và công nghệ số để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn quản trị kinh doanh.
2. Kiến thức nghề nghiệp
– Phân tích môi trường kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững của tổ chức.
– Thực thi chiến lược kinh doanh và thực hiện các chức năng quản trị trong các lĩnh vực cơ bản của tổ chức bao gồm: quản trị nguồn nhân lực, tài chính, marketing và vận hành.
– Thiết lập kế hoạch kinh doanh và dự án khởi nghiệp.

B. Kỹ năng
1. Kỹ năng chung
– Thực hành kỹ năng mềm quan trọng để thích nghi và thành thạo trong công việc.
2. Kỹ năng nghề nghiệp
– Thực hành kỹ năng nghề nghiệp trong quản trị kinh doanh

C. MỨC ĐỘ TỰ CHỦ VÀ TRÁCH NHIỆM
– Vận dụng năng lực tự chủ và trách nhiệm trong công việc.
– Vận dụng năng lực tự định hướng, áp dụng tinh thần học tập suốt đời.
– Thực hành tôn trọng các giá trị đạo đức nghề nghiệp và thực thi trách nhiệm xã hội.

3. VỊ TRÍ VIỆC LÀM SAU TỐT NGHIỆP

Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, người học có thể làm việc tại các vị trí chuyên viên/ nhân viên, nhà quản trị các cấp trong các tổ chức cơ quan nhà nước, tư nhân, các công ty nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia thuộc các lĩnh vực:
– Kinh doanh: Nhân viên phòng kinh doanh, bán hàng, quản lý cửa hàng bán lẻ, Giám đốc bán hàng vùng/khu vực.
– Nhân sự: chuyên viên nhân sự (tuyển dụng, đào tạo, thù lao…), chuyên viên tư vấn quản trị nguồn nhân lực, trợ lý giám đốc nhân sự, trưởng bộ phận nhân sự tại các tổ chức.
– Sản xuất: chuyên viên/ nhân viên bộ phận quản lý sản xuất, chuyên viên quản lý chất lượng quy trình/ sản phẩm, nhân viên quản lý kho bãi, vật tư, chuỗi cung ứng; quản đốc phân xưởng, giám đốc sản xuất.
– Marketing: nhân viên Marketing/Digital marketing; chuyên viên tổ chức chương trình/ sự kiện; chuyên viên nghiên cứu, phân tích thị trường, khách hàng.
– Tài chính: chuyên viên phân tích, thẩm định tài chính.
Và một số vị trí khác như:
– Trợ lý phân tích và tổng hợp báo cáo về môi trường kinh doanh, trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh.
– Nhà quản trị tổng quát: Giám đốc nhà máy; Giám đốc điều hành chi nhánh/khu vực, Giám đốc/Tổng giám đốc doanh nghiệp/tổ chức/tập đoàn.
– Tự thành lập làm chủ doanh nghiệp và điều hành công ty.

4. KHẢ NĂNG HỌC TẬP VÀ NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ SAU TỐT NGHIỆP

Cử nhân Quản trị Kinh doanh có khả năng tự học và tự nghiên cứu nâng cao trình độ; có năng lực tiếp tục theo học các chương trình đào tạo trình độ sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.

5. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH

– Đối tượng tuyển sinh: tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương

– Thời gian đào tạo: 04 năm.

6. ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP

– Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập;

– Tích lũy đủ số học phần và khối lượng của chương trình đào tạo theo quy định;

Cách thức

– Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2,00 trở lên;

– Đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học do Hiệu trưởng quy định;

– Thỏa mãn một số yêu cầu về kết quả học tập đối với nhóm học phần thuộc ngành đào tạo chính và các điều kiện khác do Hiệu trưởng quy định;

– Có chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – An ninh và chứng chỉ Giáo dục thể chất đối với các ngành đào tạo không chuyên về quân sự và thể dục – thể thao;

– Có đơn gửi Phòng Đào tạo đề nghị được xét tốt nghiệp trong trường hợp đủ điều kiện tốt nghiệp sớm hoặc muộn so với thời gian thiết kế của khoá học.

MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH